Những thanh niên không muốn ngủ lúc nửa đêm
Tối mùa thu, trong quán bar nhạc Jazz khu phố cổ, người đàn ông Pháp đang hát một ca khúc Rock n' Roll. Phía đối diện, hai cô gái ngồi lắc lư, hát bè hưởng ứng vài đoạn. Bàn bên, nhóm khách trung niên cụng ly, trò chuyện. Có người gõ ngón tay theo nhịp trống.
Trà Phương đến đây sau khi tan lớp học nhảy lúc 21h. Cô nhân viên sale kiêm marketing ngành dược gọi một cốc bia thơm, hoặc ly cocktail, ngồi trong góc nghe nhạc. 23h30, ban nhạc ngừng chơi. Quán chỉ còn tiếng chuyện trò rì rầm, tiếng lạch cạch của những chiếc cốc thủy tinh chạm vào nhau. Khách ngồi thêm một lúc rồi ra về.
Kim đồng hồ nhích dần đến số 12, Trà Phương cũng đứng dậy trả tiền. Sắp tới "giờ giới nghiêm", xe công an bắt đầu đi tuần, nhắc nhở hàng quán ngừng kinh doanh, đóng cửa, tắt điện, dắt xe máy đi chỗ khác. Phương không rõ từ khi nào "sau 24h" đã trở thành "giờ giới nghiêm" của thành phố.
Phương (bìa phải) thường đến bar quen nghe nhạc Jazz vào tối thứ Năm hàng tuần. Ảnh: T.M. |
Cô gái ra về trong tâm trạng lưu luyến, ước Hà Nội có khung giờ đóng cửa muộn hơn để phục vụ nhu cầu giải trí chính đáng của những người như cô. Có ngày quá oi bức, đi làm về gần nửa đêm, cô gái phóng xe khắp Tây Hồ tìm bể bơi mở cửa muộn, nhưng không có.
"Chúng mình còn trẻ, không thể lên giường đi ngủ lúc 10h đêm được", Phương nêu quan điểm. Với cô, giới trẻ giờ rất khác xưa.
Cách quán bar Phương ngồi gần một km, tiếng nhạc vang lên trong hộp đêm trên phố Hai Bà Trưng. Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay/Nếp sống tươi vui nối chân nhau đến nơi này, trong ánh đèn laser nhiều màu chớp nháy theo tiếng nhạc, nữ DJ mặc crop top đen, đội mũ lưỡi trai, tóc xoã đến eo, đứng trên sân khấu giơ tay bắt nhịp đầy ngẫu hứng. Hàng trăm thanh niên phía dưới sàn đồng thanh: Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi Sài Gòn ơi.
Quỳnh thích làm DJ ở đây vì toàn khách trẻ và có cả giới trí thức, văn phòng, thi thoảng mới có khách nước ngoài. Mỗi tuần, cô làm 3-4 tối, mỗi ca 3 tiếng. Công việc ban đêm mang về cho cô khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng. Ban ngày, không ai nhận ra nữ DJ trong bộ váy trắng, trang điểm nhẹ, ngồi ở văn phòng.
Hai năm trước, khi đến với nghề này, Quỳnh đã nhận thấy nhu cầu đi chơi đêm của giới trẻ ngày càng tăng, đặc biệt là giới văn phòng. Đó là những người có thu nhập, đủ sức trang trải cho nhu cầu giải trí. Ngành dịch vụ bar, club, nhà hàng ban đêm thu hút khá nhiều lao động.
"Người Việt còn nhìn những thanh niên đi bar với con mắt kỳ thị. Nhưng mỗi người một suy nghĩ, không cần ép buộc nhau phải thích hay ghét", Quỳnh nói. Quan niệm đi bar giờ khác 10-15 năm trước, không cần phải "xõa tới bến", nhiều người lên bar chỉ để uống một cốc bia, ngồi nghe nhạc rồi về.
Cô gái muốn Hà Nội cũng được như Sài Gòn. Một lần đến phố đi bộ Bùi Viện, Quỳnh bất ngờ khi ngồi trò chuyện cùng bạn bè đến 2h sáng mà không bị ai đuổi. Ở Hà Nội khoảng 11h30 tối, họ đã lục tục tính tiền. Đó là giờ công an phường, dân phòng chuẩn bị đi dẹp hàng quán kinh doanh đêm.
"Nếu bỏ giờ giới nghiêm, Hà Nội có lẽ sẽ sôi nổi hơn", Quỳnh nói. Cô không ngại việc chơi muộn rồi sáng hôm sau vật vờ đi làm, bởi "chơi xả hơi về rồi ngủ luôn, không ôm điện thoại, sáng hôm sau còn nhanh lấy lại sức hơn, quan trọng là bạn có chịu đi ngủ luôn không".
Những vị khách "lưu luyến" khi hàng quán bị buộc phải đóng cửa lúc 12h đêm. Ảnh: Ngọc Thành |
Những năm 2000 khi Internet mới vào Việt Nam, trong 2 giờ 6 phút thời gian rỗi trung bình mỗi ngày, 33% thanh niên Hà Nội xem tivi, 29% nghe nhạc; 27% chơi thể thao; 24% đọc truyện và 14% đi chơi với bạn bè. Không gian giải trí của thanh niên khi ấy thường là hoạt động trong gia đình hoặc địa điểm gần nhà. Đó là khảo sát của PGS.TS Đinh Thị Vân Chi, giảng viên Đại học Văn hóa Hà Nội.
Gần hai thập niên trôi qua, sở thích ấy đã thay đổi, các hình thức giải trí gắn với thiết bị điện tử và mạng xã hội chiếm số đông. Bên cạnh đó, "một cuộc sống về đêm đã hình thành ở giới trẻ, kéo theo nhu cầu giải trí gia tăng vào buổi đêm".
Thành phố có nhiều điểm giải trí công cộng, nhưng chỉ dịch thuật chuyên nghiệp hậu giang phù hợp vào cuối tuần và thiên về ngắm cảnh, "chụp ảnh tự sướng". Còn giải trí bằng trò chơi hoặc thưởng thức nghệ thuật thì khá hạn chế và chi phí không nhỏ.
Những hoạt động biểu diễn văn hóa dân gian hiếm hoi ở khu phố đi bộ. Ảnh: Ngọc Thành. |
Ba năm trước, khi Hà Nội mở tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm, Hồng Vân thường lên phố cuối tuần. Cạnh tượng đài Cảm tử, người ta bày những sạp tò he, mặt nạ giấy bồi. Bên đền Bà Kiệu, thanh niên chia đội kéo co; trẻ con ngồi chơi chuyền, ô ăn quan với người lớn. Khách tây đứng vòng trong vòng ngoài chụp ảnh, rồi cũng nhập cuộc chơi. Những trò dân gian do một nhóm thanh niên tổ chức với mong muốn giữ gìn ký ức Hà Nội.
Nhưng rồi, khi nhóm bạn trẻ ấy bận học, bận làm, những trò chơi không còn xuất hiện. Thay vào đó là tiếng xập xình chói tai phát ra từ những chiếc ôtô đồ chơi Trung Quốc, lẫn vào tiếng nhạc Hàn Quốc của những nhóm nhảy đường phố đầu đường Đinh Tiên Hoàng.
Dòng người từ 3.000 ban ngày tăng lên khoảng 20.000 vào ban đêm khiến phố đi bộ cuối tuần kín đặc. Đám thanh niên như Vân đi bộ mỏi thì vào quán uống trà chanh, cắn hướng dương. Không có trò chơi nào mới, Vân chuyển qua phố sách 19/12. Nhưng 21h30, các quầy sách cũng bắt đầu đóng cửa. Cô đành chui vào rạp chiếu phim và chọn suất muộn nhất. Nhiều lúc có bạn bè ra thăm thủ đô, Vân không biết dẫn họ đi đâu ngoài lên Tạ Hiện ăn tối, hoặc ngồi cà phê ở góc nào đó, rồi về.
TS Vân Chi nhận định, việc thanh niên muốn có nhiều lựa chọn giải trí về đêm hơn là nhu cầu chính đáng. Điều đó đồng thời mang lại lợi ích cho xã hội khi giúp phân bổ áp lực của nhu cầu giải trí đều ra suốt 24 tiếng, giảm tải cho thành phố vào ban ngày. Những lợi ích trên có được khi hoạt động giải trí lành mạnh, được đáp ứng đầy đủ. Nếu không được đáp ứng, các hoạt động tự phát dễ tiềm ẩn nguy cơ bị tiêu cực hóa.
Thái Mạc - Thanh Lam
Nhận xét
Đăng nhận xét